Đắc thụ ngôn ngữ thứ hai (SLA) là gì?

Có thể đây là lần đầu tiên bạn nghe tới thuật ngữ ‘đắc thụ’ hoặc ‘thụ đắc’ hay ‘SLA’ vì những thuật ngữ này ít được sử dụng rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tin tức bạn tiếp cận hàng ngày. Nhưng chắc hẳn chúng ta đều quen thuộc với những câu chuyện về học ngoại ngữ từ rất nhiều góc nhìn, kinh nghiệm khác nhau. Khi bạn hỏi một ai đó câu hỏi đại loại như: “Làm thế nào để học tốt một ngoại ngữ?” Bạn sẽ nhận được những câu trả lời rất nhanh gọn như: ‘Hãy sống ở vùng mà ngôn ngữ đó được sử dụng’ hoặc ‘Hãy nói chuyện với người bản ngữ’. Mỗi người có những trải nghiệm học khác nhau và vì thế mà cũng đưa ra những câu trả lời, những phép ẩn dụ khác nhau. Vậy SLA là gì?

Trước hết chúng ta phải thừa nhận một điều rằng có rất nhiều hiện tượng trong cuộc sống chúng ta cho là tất yếu và ít khi đặt câu hỏi hoặc thắc mắc tại sao. Nhưng nếu chúng ta quan tâm thì chúng ta mới phát hiện ra rằng những gì càng đơn giản lại càng khó nắm bắt. Việc lĩnh hội một ngôn ngữ ở loài người là một ví dụ điển hình cho việc này. Nếu chúng ta đặt câu hỏi bằng cách nào mà trẻ em sinh ra sau một vài năm đã có thể sử dụng ngôn ngữ một cách thành thạo hầu như không gặp khó khăn gì thì câu chuyện bắt đầu trở lên thú vị và có rất nhiều cách giải thích. Những cái giải thích này thuộc về những lý thuyết khác nhau và những lý thuyết đó không hoàn toàn đầy đủ và tương thích với nhau. Đây là câu chuyện thụ đắc ngôn ngữ thứ nhất.

Khi một người đã có một hệ thống ngôn ngữ thứ nhất rồi, họ lại muốn hoặc bị bắt buộc phải học ngôn ngữ thứ hai, thứ ba hoặc thứ n. Câu hỏi đặt ra là quá trình này diễn ra như thế nào? Khi bắt đầu học ngôn ngữ mới, người học đem theo những gì vào quá trình này? Liệu người học có thể thành thạo như người bản ngữ hay không? Môi trường và hoạt động dạy học có đẩy nhanh quá trình này hay không? Liệu rằng học ngoại ngữ có giống học những môn học khác? Đây là những câu hỏi mà các nhà nghiên cứu dày công tìm hiểu trong rất nhiều năm? Và đó là câu chuyện của thụ đắc ngôn ngữ thứ hai, gọi tắt là SLA.

Như vậy khi nói tới SLA, chúng ta đang nói tới hai khía cạnh. SLA là một hiện tượng trong thực tế xã hội. Hàng ngày, hàng giờ vẫn có nhiều người đang đắc thụ một hoặc nhiều ngôn ngữ khác nhau. Khía cạnh thứ hai của SLA là một chuyên ngành học thuật ở đó các học giả, các nhà nghiên cứu tập trung mô tả, tìm hiểu, giải thích các hiện tượng trong SLA và đưa ra các lý thuyết khác nhau.

Lĩnh vực SLA có thể có lịch sử rất lâu đời khi các triết gia đều quan tâm đến câu hỏi rằng điều gì phân biệt con người với các loài động vật khác. Nhưng SLA thực sự bùng nổ là vào những năm 1960 với giả định ban đầu rằng nếu chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình học, chúng ta mới có thể dạy tốt hơn. Tuy nhiên, SLA cũng có nhiều câu hỏi nghiên cứu cơ bản và không có mục đích ứng dụng vào việc dạy học ngoại ngữ.

Posted in Đắc thụ ngôn ngữ.