Có nên dạy chiến lược học tập cho người học ngôn ngữ?

Đây là bản tóm tắt tôi chuẩn bị cho trang multiolelo.com tập trung chia sẻ kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ.

Lý do nghiên cứu

Chiến lược học tập là những thói quen hoặc kỹ thuật mà người học có thể sử dụng một cách độc lập nhằm cải thiện việc học và sử dụng ngôn ngữ đích. Đã có rất nhiều nghiên cứu về việc dạy các chiến lược học tập (strategy instruction) cho người học nhưng vẫn chưa đi đến được kết luận chung xem liệu hoạt động này có hiệu quả hay không. Vì thế, Plonsky đã thực hiện một nghiên cứu tổng hợp để có thể lượng hoá một cách đáng tin cậy tác động của việc dạy chiến lược học tập và chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả của hoạt động này.

Phương pháp nghiên cứu

Plonsky đã thu thập toàn bộ các nghiên cứu trước đây về tác động của việc dạy chiến lược học tập cho người học ngôn ngữ từ các cơ sở dữ liệu. Các bài nghiên cứu gốc sau đó được lựa chọn theo một số tiêu chí (vd. phải có nhóm đối chứng, phải có đủ thông tin về mức độ ảnh hưởng) và được mã hoá theo một số đặc điểm như bối cảnh nghiên cứu, độ tuổi và trình độ người tham gia, kết quả học tập.

Sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp (meta-analysis) bằng cách tính trung bình mức độ ảnh hưởng (effect size) và mức độ ảnh hưởng xét trên phạm vi từng khía cạnh, nhà nghiên cứu có thể cung cấp bức tranh khái quát về một lĩnh vực nghiên cứu và đưa ra kết luận tổng quát.

Kết quả nghiên cứu

Tính trung bình việc dạy chiến lược học tập có tác động tích cực lên kết quả học tập ở người học nói chung với chỉ số mức độ ảnh hưởng d xấp xỉ bằng 0.5. Xét cụ thể hơn cho thấy người học ngôn ngữ thứ hai hưởng lợi nhiều hơn so với người học ngoại ngữ. Người học ở trình độ trung cấp hoặc cao cấp hưởng lợi nhiều hơn so với người học ở trình độ thấp. Việc dạy ít chiến lược hơn (ít hơn 8) và thời lượng dạy lâu hơn có hiệu quả hơn so với dạy nhiều chiến lược hoặc thời gian ngắn (dưới 2 tuần). Việc dạy chiến lược sẽ có hiệu quả hơn khi kết quả học tập được dùng là kỹ năng đọc, nói, từ vựng, phát âm và số lần sử dụng chiến lược.

Ý nghĩa thực tiễn

Việc dạy cho người học chiến lược học tập nhìn chung có tác động tích cực lên kết quả học tập. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả cũng phụ thuộc nhiều vào những yếu tố khác nhau như thời lượng dạy, cách dạy, trình độ người học và kết quả đo được. Khi triển khai hoạt động dạy chiến lược, giáo viên cần chú ý tới những yếu tố này và cân nhắc chi phí/lợi ích để quyết định sao cho phù hợp. Hiệu quả của việc dạy phụ thuộc vào số lượng chiến lược được dạy, khả năng người học, thời gian luyện tập, sử dụng chiến lược và kết quả mong muốn.

Tuy nghiên cứu tổng hợp có thể đưa ra khái quát chung, nhưng kết quả chung này phụ thuộc vào mức độ trung thực, tin cậy của các nghiên cứu gốc. Vì thế, mọi quyết định cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Bài báo gốc: Plonsky, L. (2011). The effectiveness of second language strategy instruction: A meta-analysis. Language Learning, 61(4), 993–1038. https:// doi.org/10.1111/j.1467-9922.2011.00663.x

Posted in Đắc thụ ngôn ngữ.