Sử dụng tiếng mẹ đẻ (L1) trong lớp học ngoại ngữ?

Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ (L1) trong các lớp học ngoại ngữ/ngôn ngữ thứ 2 (L2) là một nội dung gây nhiều tranh luận. Đã có thời kỳ mà L1 bị coi như là rào cản, thậm chí bị cấm sử dụng trong lớp học, đặc biệt là Phương pháp trực tiếp (direct method) hoặc những ứng dụng (nhầm) đường hướng giao tiếp (CLT). Tuy nhiên, việc cấm L1 trong các lớp học ngoại ngữ là chỉ là những niềm tin, không có cơ sở thực chứng, đồng thời cũng là một trường hợp khái quát hóa quá mức.

Việc sử dụng hay không sử dụng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như mục tiêu chương trình, kết quả học tập mong muốn, bối cảnh dạy-học…Tuy nhiên, chúng ta cần một nguyên tắc chung, có tính khái quát hơn để từ đó giáo viên có thể “lựa cơm, gắp mắm” cho phù hợp với từng trình độ người học, từng lớp học trong những bối cảnh cụ thể. Chính vì thế chúng ta cần phân biệt hai cách tiếp cận.

L1 đã từng được sử dụng là ngôn ngữ dạy học (medium of instruction) trong các đường hướng như ngữ pháp dịch trước đây khi mà mục tiêu của việc học ngoại ngữ chủ yếu đặt trọng tâm vào ngữ pháp, phân tích mẫu câu, học hiểu các tác phẩm kinh điển. Khi mục tiêu dạy-học ngoại ngữ thay đổi, gắn với những thay đổi bên ngoài xã hội, mục tiêu học ngoại ngữ khác đi, tập trung vào giao tiếp, nghe nói là chủ yếu thì lúc này những kỹ thuật, cách tiếp cận của đường hướng ngữ pháp dịch sẽ không còn phù hợp để giúp người học đạt được mục tiêu, kết quả học tập mới mặc dù nhiều kỹ thuật, bài luyện vẫn có giá trị. Khi người dạy và người học không thỏa mãn với cách làm hiện tại, họ xoay sở, đổi mới để có cách làm tốt hơn và khi cổ vũ cho những phương pháp mới đó, họ vô tình (hoặc cố ý) phê phán đường hướng cũ, chỉ tập trung vào những hạn chế của nó để làm nổi bật những phương pháp mới. Chính vì thì mà người dạy, người học có thành kiến với phương pháp, kỹ thuật cũ. Sử dụng L1 trong lớp học là một ví dụ điển hình, những người cải cách đã đạp đổ, phủ định sạch trơn mà không hề kế thừa. Đây là cách tiếp cận L1 là ngôn ngữ dạy học (L1 as medium of instruction)

Cách tiếp cận thứ hai nhấn mạnh tới quá trình và tính kế thừa, nhưng nó không coi L1 là ngôn ngữ dạy học mà thay vào đó coi L1 là như một nguồn lực để khai thác (L1 as a resource). Với cách tiếp cận này thì việc sử dụng L1 không phải là câu trả lời có hoặc không mang tính nhị nguyên (dichotomy) mà nó nhấn mạnh tới tính tương đối, liên tục của một quá trình. Căn cứ vào mục tiêu chương trình, mục tiêu bài học, mục tiêu của từng hoạt động trong một bài học, trình độ, sở trường của người học, nhóm người học và tương quan những nguồn lực khác mà giáo viên có thể khai thác miễn sao đạt được kết quả mong muốn (expected outcomes). Lúc này, sử dụng L1 sẽ được coi như một chiến lược dạy học (instructional strategies) và giáo viên sẽ quyết định khi nào sử dụng, khi nào không. Tuy vậy, ở đây tôi không nói L1 là ngôn ngữ dạy học cho toàn bộ quá trình, mà ngược lại nó có thể sử dụng tùy hoàn cảnh, yêu cầu cụ thể. Đơn cử một ví dụ, trong đường hướng giao tiếp, ở môi trường ngoại ngữ thì việc giáo viên sử dụng ngôn ngữ đích trong lớp học là một điều hoàn toàn hợp lý (1) để cung cấp thêm ngữ liệu (input) cho người học; (2) tạo môi trường giao tiếp ngay tại lớp học. Cho dù giao tiếp là mục tiêu cuối cũng thì đôi khi người học vẫn phải biết về dạng thức ngôn ngữ (focus on form) hoặc học thêm các kiến thức về ngôn ngữ đích, lúc này L1 có khi hoàn toàn hữu dụng khi giải thích những khái niệm trừu tượng. Một ví dụ khác, khi dạy từ vựng trong ngôn ngữ đích, những từ cơ bản, trực quan thì giáo viên có thể minh họa bằng hình ảnh, điệu bộ, hoặc ngôn ngữ đích, nhưng có những từ rất trừu tượng thì việc chỉ ra một từ có nghĩa tương đương trong L1 là hoàn toàn phù hợp.

Là giáo viên, đôi khi chúng ta không muốn tìm hiểu quá sâu về những vấn đề liên quan tới việc dạy và học, chúng ta muốn cho một công thức vạn năng để áp dụng cho mọi người học giống như có những người cả đời đi tìm thần dược giúp họ trẻ mãi không già. Hoạt động dạy học rất phức tạp, có nhiều khía cạnh mà người giáo viên hàng ngày lại phải xử lý với rất nhiều nhân tố khác nhau để đưa ra quyết định. Việc ai đó nói cho họ nghe một cách ngắn gọn những gì phải làm, nên làm thường được đón nhận nhiệt tình mà không hoài nghi hay phản biện lại. Chính vì vậy mà giáo viên rơi vào cái bẫy của chính mình, nói rằng cách này, cách kia không hiệu quả trong hoàn cảnh của tôi…Vì vậy, mỗi giáo viên không nên dừng lại ở những giá trị bề ngoài (face values) mà cần đào sâu, đặt câu hỏi, nhìn ở nhiều góc độ và đôi khi cần trực tiếp tiến hành nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi mình đưa ra, giải pháp cho vấn đề của mình và sau rồi chia sẻ với những người khác.

* Bài viết này được đăng lại từ bài viết trên blog Lăng Kính 2015

Posted in Lý luận dạy học.