Tăng cường ngữ liệu trong dạy-học ngoại ngữ

Bài viết này được đăng lại từ bài cũ trên blog Lăng Kính tôi viết từ năm 2015. Tôi đã điều chỉnh một số nội dung cho rõ ràng và lần đầu tiên đưa vào sử dụng thuật ngữ ‘ngữ liệu’ và ‘ngữ phẩm’ tương ứng với thuật ngữ tiếng Anh input-output. Tôi quyết định dùng thuật ngữ này sau nhiều lần tìm từ tương ứng trong tiếng Việt nhưng không thấy tồn tại. Do thuật ngữ được sử dụng lần đầu tiên trong bài viết này, bạn đọc có thể thấy không thuận tai nhưng đây là phương án từ tốt nhất tôi có thể nghĩ ra.

1. Ngữ liệu/Input là gì?

Khái niệm ngữ liệu (input) được Krashen phổ biến vào những năm 80 nhằm nhấn mạnh việc người học ngoại ngữ, cũng giống như một người tiếp thụ tiếng mẹ đẻ của mình, cần rất nhiều ngữ liệu để hình thành hệ thống ngôn ngữ trong đầu thông qua việc nghe, đọc để sau này có thể nói, viết. Chính vì thế quá trình thụ đắc ngôn ngữ không thể diễn ra, hoặc diễn ra không thành công là do người học, đặc biệt trong môi trường ngoại ngữ, chưa có đủ nguồn ngữ liệu để xử lý, qua đó kích hoạt được những thông số bên trong não bộ mà hình thành nên hệ thống ngôn ngữ mới. Từ lập luận này, Krashen cho rằng chỉ cần người học được tiếp xúc với nguồn ngữ liệu phù hợp sau một thời gian nhất định người học sẽ có thể “đắc thụ” được ngôn ngữ đích. Ông cũng phân biệt hai quá trình trong việc phát triển ngoại ngữ: học vs. thụ đắc. Lập luận của Krashen nhấn mạnh rằng, thụ đắc ngôn ngữ là một quá trình mang tính tiềm thức (subconscious), nó diễn ra một cách tự nhiên mà không cần có sự can thiệp của ý thức. Ngược lại, học ngôn ngữ diễn ra một cách chính thức, có sự tham gia của ý thức, đặc biệt là người học ngoại ngữ, quá trình này diễn ra một cách có ý thức, được các giáo viên dạy ở trường lớp thay vì người học tiếp nhận trong môi trường tự nhiên như tiếng mẹ đẻ.

Giả thuyết của Krashen rất hợp lý và có tính thuyết phục cao, phù hợp với hiểu biết chung của nhiều người (common sense) nên được người học và người dạy ngoại ngữ đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên, giả thuyết của Krashen không phải được tất cả mọi người đón nhận, đặc biệt là những nhà hàn lâm và các nhà nghiên cứu. Họ đặt ra những câu hỏi liên quan tới giả thuyết này và chỉ ra rằng ý tưởng ngữ liệu nghe hấp dẫn nhưng không thể kiểm nghiệm được. Đồng ý rằng ngữ liệu giữ vai trò quan trọng, nhưng không phải tất cả ngữ liệu đều có tác dụng như nhau. Đối với một người tiếp thụ tiếng mẹ đẻ ngay từ khi mới lọt lòng, nguồn ngữ liệu mà đứa trẻ đó tiếp nhận là vô cùng phong phú và đa dạng, tuy nhiên, điều này khó có thể được hiện thực hóa cho người học ngoại ngữ. Sau đó Krashen cũng điều chỉnh giả thuyết của mình cho hợp lý hơn. Ông cho rằng nguồn ngữ liệu đó phải cao hơn trình độ hiện tại của người học một chút, nhưng vẫn giúp người học hiểu được với thuật ngữ “i+1” (comprehensible input- ngữ liệu hiểu được) thì quá trình thụ đắc ngôn ngữ sẽ diễn ra thành công. Một lần nữa, thật khó có thể định nghĩa được thế nào là i+1, đặc điểm của nó là gì và làm sao có được i+1 cho nhiều người học khác nhau.

Những năm tiếp theo cũng có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng nếu chỉ nhờ vào ngữ liệu thì sẽ không đủ, người học có thể đạt được mức độ nhất định trong quá trình học ngoại ngữ nhưng khó có thể phát triển ở các mức độ cao hơn. Swain (1985) chỉ ra điều này khi bà nghiên cứu những người học tiếng Anh trong các chương trình trải nghiệm ngôn ngữ (immersion) tại Canada. Người học đạt được mức độ thuần thục (fluency) khi giao tiếp, khi nghe nói nhưng về mặt ngữ pháp vẫn có rất nhiều lỗi sai mà mặc dù họ có thể sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ thành công cho những hoạt động cơ bản, tiếng Anh của họ nghe vẫn có vẻ như tiếng Anh “bồi” (pidginized). Từ đó bà đưa ra một giả thuyết mới: giả thuyết ngữ phẩm (output hypothesis), bổ sung cho giả thuyết của Krashen. Vấn đề không chỉ đơn giản là ngữ liệu-ngữ phẩm (input-output) như hai giả thuyết trên mà nó còn phức tạp hơn nhiều khi sau này các lý thuyết gia bổ sung thêm những lập luận mới từ những nghiên cứu của mình. Mike Long đưa ra giả thuyết về tương tác (interaction hypothesis) qua luận án tiến sĩ của mình, cho rằng chính nhờ quá trình tương tác và thương lượng mà ngữ liệu được chuyển hóa và có ý nghĩa hơn đối với người học; Richard Schmit (1990) đưa ra giả thuyết về khả năng chú ý (noticing hypothesis) nhấn mạnh rằng ngữ liệu sẽ không có ý nghĩa gì nếu như người học không tiếp nhận một cách có chủ đích. Ý thức được những đặc điểm từ ngữ liệu sẽ có giữ vai trò như một ‘cú huých’ để có thể kích hoạt giai đoạn đầu tiên trong quá trình kết hợp các tính năng ngôn ngữ mới vào năng lực ngôn ngữ của một người.”

Như vậy, giả thuyết ngữ liệu mặc dù chưa phải đã hoàn thiện và ngữ liệu không thể được coi là yếu tố “duy nhất” trong quá trình tiếp thụ một ngoại ngữ, nó vẫn có vai trò “tiên quyết” trong quá trình hấp thụ hoặc học một ngôn ngữ mới. Điều này được lặp lại trong rất nhiều nghiên cứu và các bài viết tổng thuật những năm gần đây (xem thêm Long, 1990, 2006, 2011; Ellis, 2005, 2014; VanPatten & Williams, 2007; Nation, 1996, 2007, 2013; Dornyei, 2015; Thornbury, 2015). Phần tiếp theo, tôi sẽ trình bày về cách mà ngữ liệu có thể được triển khai qua các hoạt động nghe-đọc, đặc biệt là các chương trình đọc, nghe mở rộng (extensive listening, extensive reading) được nghiên cứu, triển khai trong những năm gần đây.

2. Ngữ liệu được xử lý như thế nào?

Mặc dù đâu đó có người chủ trương rằng việc phát triển ngôn ngữ diễn ra ở dạng tiềm thức (subconcious), ám chỉ rằng chỉ cần chúng ta ở trong môi trường ngôn ngữ phù hợp, tự nhiên ngôn ngữ sẽ được ‘nạp’ vào đầu và sau một thời gian ‘im lặng’, người đó có thể nói được ngôn ngữ ấy. Dẫn chứng thường được sử dụng cho luận điểm này là trẻ em từ khi sinh ra tới khi biết nói, việc học ngôn ngữ của các bé diễn ra hết sức tự nhiên và dường như không có sự can thiệp nào từ bên ngoài hay nỗ lực của các em đó, mà chỉ cần được ‘tắm’ trong môi trường ngôn ngữ, sau một thời gian (hơn 1 năm trở lên, tùy khả năng của từng đứa trẻ), các em đã có thể hấp thụ ngôn ngữ mẹ đẻ này một cách dễ dàng. Liệu có sự tham gia của tiềm thức trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ hay không thì chưa ai kiểm chứng được (giống như cho thai nhi nghe nhạc để thông minh cũng chỉ là một lời đồn thổi và không có cơ sở), nhưng việc trẻ chủ động, tích cực tiếp nhận một ngôn ngữ (mẹ đẻ) giống như một bản năng sinh tồn thì không thể nào chúng ta có thể phủ nhận được.

Toàn bộ những đứa trẻ bình thường đều thực hiện việc học ngôn ngữ như một bản năng, chủ động tương tác với mọi người xung quanh để học và luyện tập. Trẻ quan sát, lắng nghe rất kỹ và chủ động học hỏi thay vì chỉ thụ động. Chúng ta thường hay nghe những câu đại khái như, hãy học ngoại ngữ giống như trẻ em học tiếng mẹ đẻ của chúng vậy, nhưng quá trình trẻ tiếp thụ một ngôn ngữ như thế nào không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu học thuật từ rất sớm (first language acquisition), mà còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết được về quá trình này. Vậy nên khuyên một người học ngoại ngữ (đặc biệt người học đó đã có kinh nghiệm với tiếng mẹ đẻ của mình) bắt trước quy trình học của trẻ em (với tiếng mẹ đẻ của chúng) là rất mơ hồ và vô căn cứ. Điều đó còn chưa kể thêm ngữ liệu mà trẻ có được là vô cùng phong phú, đa dạng, có tính lặp lại, liên tục và xuyên suốt. Một bài nói chuyện gần đây của Roy (2011) về “sự ra đời của một từ” cho ta thấy điều này khi mà con trai của anh ấy mất bao nhiều thời gian và tương tác để có thể nói được từ gal–water; hay Steven Pinker, người được tạp chí TIME bình chọn là “1 trong 100 người ảnh hưởng nhất trên thế giới ngày nay”, trong bài nói chuyện với chủ đề “ngôn ngữ học như là cửa sổ để hiểu về não bộ” cũng nhấn mạnh với một người bản ngữ thì trung bình họ cũng cần tới hơn 2 tiếng để học được một từ. Điều này để thấy rằng việc phát triển một ngôn ngữ, cho dù là tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ thứ hai hoặc thứ 3 hay ngoại ngữ là một quá trình rất phức tạp và có sự tương tác của nhiều yếu tố.

Trong môi trường ngoại ngữ khi mà một ngôn ngữ được học như môn học trong các chương trình giáo dục ở các cấp học thì việc thiếu hụt nguồn ngữ liệu là điều dễ thấy. Thời lượng ở trên lớp không thể bù đắp được lượng ngữ liệu người học cần tiếp xúc để có thể đạt được một mức độ giao tiếp nhất định nào đó. Điều này còn tệ hơn khi nguồn ngữ liệu người học có được chủ yếu qua sách vở, băng đĩa hoặc từ giáo viên. Chính vì vậy người học cần được tiếp cận với ngữ liệu đích nhiều hơn thông qua vai trò hỗ trợ của người đứng lớp. Ranh giới giữa hoạt động trong lớp học và ngoài lớp học không quá rõ ràng vì rõ ràng một điều rằng chỉ khi người học thực sự học thì quá trình học mới diễn ra. Việc học này phải diễn ra cả trong và ngoài lớp học.

Để có thể bổ sung thêm nguồn ngữ liệu cho quá trình tiếp thụ ngôn ngữ mới, người học cần chủ động tiếp cận thêm các nguồn bên ngoài, mà chủ yếu thông qua hoạt động nghe-đọc hoặc sử dụng ngôn ngữ trực tiếp. Tuy nhiên, không phải đối tượng người học nào cũng có thể tiếp cận và xử lý được nguồn ngữ liệu sẵn có bên ngoài. Điều quan trọng là người học phải hiểu được những gì họ đọc, họ nghe ở một chừng mực nhất định nào đó. Rõ ràng vai trò của người giáo viên lúc này cần hơn bao giờ hết. Người giáo viên có vai trò tạo điều kiện thuận lợi giúp người học tiếp cận, như việc làm các bài nghe bài đọc dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn thông qua việc dạy từ khóa, dạy những cấu trúc câu có thể gây khó khăn cho người học, hoặc ngay cả việc cung cấp những kiến thức nền để người học tiếp cận tốt hơn, đặc biệt là những kiến thức mang tính đặc thù văn hóa. Nếu như việc dạy-học chỉ dừng lại ở đó thì người học tự hạn chế mình tiếp cận với nguồn ngữ liệu (input). Người học cần chủ động hơn, nghe lại, đọc lại và tự tìm hiểu những nội dung liên quan sao cho vừa sức của mình để từ đó tăng cường thêm cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ đích. Giáo viên có thể hỗ trợ nhưng không thể làm thay cho người học. Hơn nữa người học biết rõ họ cần gì và có thể trao đổi với giáo viên để được hỗ trợ sao cho người học có thể tối ưu quá trình học tập của mình.

Như vậy, người học sẽ tiếp cận với ngữ liệu qua hai giác quan chính, thị giác và thính giác hoặc qua kênh hình và kênh chữ, hoặc giản lược hơn chính là qua việc nghe và đọc. Nói thị giác và thính giác vì trong rất nhiều trường hợp người học có thể vừa nghe, vừa đọc hoặc vừa nghe vừa xem. Từ rất sớm, đã có rất nhiều người, nhà giáo dục, các nhà xuất bản chú ý tới nguồn ngữ liệu giản lược thông qua hệ thống sách viết lại (graded readers) và các đài phát thanh dành riêng cho người học (VOA). Với công nghệ hiện nay thì việc tiếp cận với nguồn ngữ liệu có thể hiểu được (comprehensible input) cũng dễ dàng hơn rất nhiều qua những công cụ dịch tự động, phụ đề, tương tác trực tiếp…Nhưng đó mới là nội dung ngữ liệu. Về mặt phương pháp tiếp cận, người học cần lưu ý tới hoạt động nghe-đọc mở rộng. Có rất nhiều nghiên cứu và dự án triển khai thí điểm mô hình đọc mở rộng, thậm chí có cả một quỹ do các nhà nghiên cứu duy trì để thúc đẩy hoạt động này. Đi kèm với đó là hội thảo thường niên và các tạp chí liên quan để hỗ trợ. Những ai quan tâm có thể tìm hiểu thêm ở ER Foundation. Ý tưởng chính của hoạt động đọc mở rộng là người học chủ động tiếp cận các bài đọc phù hợp với trình độ của mình để đọc thường xuyên, chủ yếu cho mục đích giải trí thay vì mục đích học tập, thi cử. Và thông qua quá trình này, người học sẽ có cơ hội tiếp xúc với nguồn ngữ liệu phong phú hơn, đa dạng hơn, đặc biệt là sự lặp lại của những mẫu câu, từ vựng mà người học đã học trước đó. Bên trên tôi đã dẫn một ý của Steven Pinker khi nói rằng ngay đối với 1 người bản ngữ thì trung bình mỗi từ học được, người học cũng cần tới 2 giờ. Đối với một ngôn ngữ mới, có lẽ thời lượng còn phải nhiều hơn. Một số nghiên cứu về từ vựng của người học ngoại ngữ cũng chỉ ra người học cần tiếp xúc 7-12 lần để có thể thực sự học được từ đó [sẽ bổ sung nguồn sau]. Việc tăng cường ngữ liệu không chỉ diễn ra qua hoạt động đọc mà còn qua hoạt động nghe. Nghe đài phát thanh hoặc truyền hình có thể quá sức đối với người học, nhất là người học mới bắt đầu, vậy nên hoạt động nghe mở rộng cũng cần được chú ý nhiều hơn. Nhưng hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu hoặc các dự án điển hình triển khai hoạt động này.

3. Tài nguyên cho hoạt động nghe-đọc mở rộng

3.1. Hoạt động đọc mở rộng (extensive reading)

Khi nói về phương pháp hay cách tiếp cận, điều tối kỵ là cho rằng một phương pháp có thể giải quyết được tất cả vấn đề hoặc phù hợp cho tất cả mọi người. Nó giống như việc người ta vẫn cố gắng đi tìm một thứ thần dược để trị bách bệnh hay có thể sống trẻ mãi không già vậy. Tương tự như vậy, hoạt động đọc mở rộng cũng yêu cầu người học có những kiến thức tối thiểu trong ngôn ngữ mới để có thể đọc được, hay nói cách khác họ phải biết đọc. Một người học chưa đọc tiếng Anh bao giờ mà ném cho người đó một cuốn truyện tranh, dù rất đơn giản bằng tiếng Anh cũng là một thách thức rất lớn đối với họ. Vì vậy, người học cần trang bị những kiến thức tối thiểu như lượng từ vựng tối thiểu, những cấu trúc câu đơn giản…để có thể hiểu được các bài đọc đơn giản, được minh họa qua hình ảnh, tranh vẽ. Rất nhiều nhà xuất bản từ lâu đã xuất bản các bộ sách cho người học ngoại ngữ, phân loại theo các mức độ từ đơn giản đến phức tạp hơn, chủ yếu dựa vào lượng từ vựng người học có được. Đây là những cuốn sách được viết lại từ những truyện ngắn, tiểu thuyết nổi tiếng, nhưng với ngôn ngữ đơn giản dù vẫn giữ nguyên cốt truyện. Đối với người học ở trình độ cao hơn, họ có thể tiếp cận những tài liệu khó hơn, miễn sao mà họ đọc không bị gián đoạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng người học cần biết 98% lượng từ vựng để có thể đọc mà không bị gián đoạn trong việc hiểu nội dung (Nation, 2000). Các bộ sách viết lại người học có thể tiếp cận qua thư viện ở trường (VD. Tủ Sách NVQ ở KNN, ĐHTN & Bookworm’s Conner chính là một trong những nỗ lực để đưa hoạt động đọc mở rộng vào chương trình) hoặc qua các hệ thống thư viện đọc mở rộng online như: er-central.com hoặc tin ngắn như www.simpleenglishnews.com; Ngoài ra những tạp chí song ngữ, những truyện thiếu nhi…đều có thể là nguồn tài liệu có thể rất hữu ích. Điều quan trọng là những ngữ liệu này phải phù hợp với trình độ, hứng thú và mối quan tâm của mỗi người học. Chính người học biết rõ mình cần gì nhất.

3.2. Hoạt động nghe mở rộng

Ngữ liệu rất quan trọng cho việc phát triển kỹ năng nghe và ngôn ngữ nói (oral/khẩu ngữ) chính là việc việc tiếp cận với những tài liệu nghe mà người học có thể hiểu được. Lâu nay, việc nghe chủ yếu diễn ra trong phạm vi lớp học và người học ít khi chủ động nghe thêm bên ngoài, có chăng cũng chủ yếu làm các bài tập được giáo viên yêu cầu. Giống như họat động đọc mở rộng, nghe mở rộng cũng do chính người học lựa chọn những nội dung sao cho phù hợp với trình độ, hứng thú, mối quan tâm của mình. Nếu gặp khó khăn, người học hoàn toàn có thể nhờ giáo viên tư vấn, và đó cũng mới là vai trò chính của người giáo viên hiện đại.

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy một số nguồn tài nguyên rất hữu ích mà người học có thể khai thác cho hoạt động nghe mở rộng.

a. Podcast: hệ thống các bài nghe được cập nhật thường xuyên như một dạng blog nhưng ở dạng âm thanh với rất nhiều chủ đề đa dạng. Người học có thể đăng ký theo dõi và nghe thường xuyên về những chủ đề mà họ quan tâm. Đối với người học tiếng Anh, ESLpod cho tới thời điểm này vẫn là điểm dừng số 1 cho đa số người học trên thế giới. Người học được học miễn phí và có cơ hội hiểu thêm về văn hóa Mỹ. Người học miễn phí truy cập, nhưng có thể phải trả thêm phí nếu muốn truy cập thêm phần chữ (transcript). Nhưng ESLpod mới chỉ là một trong vô số những hệ podcast khác nhau được đăng tải thường xuyên qua iTune, một phần mềm Apple. Qua iTune, người học có thể lựa chọn rất nhiều các kênh khác nhau, gồm cả những kênh học tiếng và những kênh giáo dục, giải trí khác. Hướng dẫn sử dụng iTune cho hoạt động nghe mở rộng tôi sẽ viết hoặc làm video HD trong một bài khác.

b. Website: có rất nhiều website hỗ trợ người học nghe mở rộng, www.elllo.org là một ví dụ điển hình. Ngoài ra, người học còn có thể nghe xem các video trên youtube hoặc các kênh tương tự, nhưng chú ý vào những hoạt động nghe. Trước đây tôi có tập hợp vài địa chỉ tại đây: https://sites.google.com/site/call4cec/computer-tools/videos

c. TED Talks cũng là một địa chỉ tôi yêu thích vì thông qua những bài nói chuyện, chúng ta không chỉ nghe thêm tiếng Anh mà còn học thêm được rất nhiều những kiến thức khác. Thú vị hơn nữa là TED có cộng tác ở khắp nơi trên thế giới dịch phụ đề ra các ngôn ngữ khác nhau và còn có các tổ chức địa phương triển khai mô hình và chia sẻ lên TEDx. VD một bài nói chuyện gần đây của Ms. Thao Griffths, nói chuyện về một chủ đề rất nhiều ý nghĩa và chuyển tới thế hệ trẻ một thông điệp vô cùng thú vị: Fighting in the past, fighting for the future;

4. Kết luận

Có rất nhiều yếu tố liên quan tới quá trình học/tiếp thụ một ngôn ngữ mới, đặc biệt khi ngôn ngữ đó có vai trò như một ngoại ngữ. Ngữ liệu (input) là điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để người học có thể phát triển năng lực ngôn ngữ của mình. Chương trình học ngoại ngữ chính quy thường không đủ để người học có thể tiếp xúc với nhiều nguồn ngữ liệu phong phú. Do vậy cả người dạy và người học cần lưu tâm tới sự thiếu hụt này để có sự bù đắp sao cho phù hợp. Trong bài viết này, tôi tổng thuật qua về khái niệm ngữ liệu và vị trí của nó trong quá trình phát triển một ngoại ngữ, sau đó tôi trình bày hai hoạt động chính để tăng cường ngữ liệu thông qua nghe-đọc mở rộng (extensive listening/reading). Cuối cùng, tôi gợi ý một số nguồn tài nguyên tham khảo để người dạy-người học có thể triển khai trong thực tế. Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ cách triển khai cụ thể qua những ví dụ cụ thể. Bài viết này giúp người đọc có bức tranh chung về hai hoạt động này và mối liên hệ tới ngữ liệu (một trong những điều kiện cần của thụ đắc ngôn ngữ) trước khi thực hiện những hoạt động cụ thể.

—————–

* Trong bài viết, tôi có trích dẫn nhiều học giả và các công trình nghiên cứu liên quan, tuy nhiên tôi không liệt kê đầy đủ ở cuối bài viết, bạn đọc nào có nhu cầu tìm hiểu thêm có thể email trực tiếp.

* Bài viết trên blog Lăng Kính năm 2015 tôi dùng thuật ngữ ngữ nhập cho input và chưa tìm được thuật ngữ cho output. Bài này tôi dùng ngữ liệu và ngữ phẩm cho input và output.

* Vui lòng ghi nguồn hoặc link tới bài này nếu trích dẫn hoặc sử dụng lại bài viết này ở nơi khác.

Posted in Đắc thụ ngôn ngữ and tagged , , , .