Có phải học ngoại ngữ càng sớm càng tốt?

Đây là bản tóm tắt tôi chuẩn bị cho trang multiolelo.com tập trung chia sẻ kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ. Đọc bài gốc tại đây (*)

Lý do nghiên cứu

Phụ huynh, giáo viên, và những người làm chính sách ở nhiều nơi trên thế giới thường khuyến khích việc đưa chương trình dạy-học ngoại ngữ vào tiểu học với phương châm ‘càng sớm, càng tốt’. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu đánh giá thành tựu của người học sau một thời gian dài để xem việc bắt đầu sớm có kết quả như kỳ vọng hay không. Nghiên cứu này so sánh khả năng tiếng Anh của hai nhóm học sinh tại Đức qua bài thi chuẩn hóa nghe-đọc ở hai thời điểm: khi các em vào lớp 5 và lớp 7. Nhóm sớm bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 1 (6-7 tuổi) và nhóm muộn bắt đầu từ lớp 3 (8-9 tuổi). Ngoài ra, nghiên cứu cũng xem xét tác động của những đặc điểm cá nhân khác của người học như giới tính, địa vị kinh tế-xã hội của phụ huynh, nguồn lực văn hoá, ngôn ngữ dùng ở nhà, và khả năng nhận thức.

Phương pháp nghiên cứu

Mẫu nghiên cứu gồm hai nhóm học sinh từ 31 trường chuyên ở Đức. Các trường tham gia được phân bố đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn. Nhóm muộn bắt đầu tiểu học năm 2006 và học tiếng Anh như một ngoại ngữ trong 2 năm (140 giờ học chính khoá) trước khi bắt đầu vào trung học năm 2010. Ngược lại, nhóm sớm nhận học tiếng Anh trong 3 năm rưỡi (tương đương 245 giờ). Nhóm này bắt đầu tiểu học năm 2008 và chuyển lên trung học năm 2012. Chỉ những em tham gia bài thi vào năm lớp 5 và năm lớp 7 được đưa vào phân tích.  Bài thi nghe và đọc được chuẩn hoá với điểm trung bình là 500 và độ lệch chuẩn là 100. 

Kết quả nghiên cứu

Ở năm lớp 5, nhóm bắt đầu sớm có điểm số trung bình bài thi nghe và đọc cao hơn nhóm bắt đầu muộn. Thêm một năm rưỡi học tiếng Anh (tương ứng 105 giờ) có lợi thế hơn trung bình 27 điểm đọc và 33.6 điểm nghe. Tuy nhiên, ở năm lớp 7, nhóm bắt đầu muộn lại có kết quả cao hơn nhóm bắt đầu sớm ở cả bài thi nghe và bài thi đọc. Trung bình, nhóm muộn cao hơn nhóm sớm khoảng 34 điểm đọc và 17 điểm nghe. 

Khi đánh giá vào năm lớp 5, các yếu tố như giới tính, khả năng nhận thức, vốn văn hoá, địa vị kinh tế-xã hội và tuổi bắt đầu ảnh hưởng tới khả năng tiếng Anh. Ở năm lớp 7, thời điểm bắt đầu học, khả năng nhận thức, giới tính và ngôn ngữ ở nhà cũng góp phần ảnh hưởng tới điểm thi tiếng Anh. 

Ý nghĩa thực tiễn

Trong môi trường học ngoại ngữ không có nhiều cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ đích thì độ tuổi bắt đầu (sớm hay muộn) không ảnh hưởng nhiều tới năng lực ngôn ngữ của học sinh về lâu dài. Học sinh lớn hơn có thể tiến bộ nhanh hơn do mức độ trưởng thành về nhận thức cao hơn và khả năng học thông qua phương pháp truyền thụ. Năng lực ngôn ngữ cũng có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như đặc điểm cá nhân học sinh (nhận thức, động lực, giới tính…) và các điều kiện bên ngoài (phương pháp dạy-học, giáo viên, địa vị kinh tế-xã hội…). 

Bài báo gốc:  Jaekel, N., Schurig, M., Florian, M., & Ritter, M. (2017). From early starters to late finishers? A longitudinal study of early foreign language learning in school. Language Learning, 67(3), 631–664.  https://doi.org/10.1111/lang.12242

Posted in Đắc thụ ngôn ngữ.